Loading...
Đường dây nóng: 0212 743 837
Email:phonggiaoducms.sl@gmail.com

"Đường đến thành công không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, bất cứ thành công nào cũng có sự đánh đổi. Quan trọng là bạn có sẵn sàng đạp lên “gai hoa hồng” để tiến tới thành công hay không mà thôi", đó là những chia sẻ của tác giả trẻ Chu Thùy Trang - chủ nhân giải thưởng “tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả trẻ tuổi” tại Giải Búa liềm vàng 2018.

Chu Thùy Trang sinh ra và lớn lên tại vùng đất mỏ Quảng Ninh. Trang hiện đang là sinh viên chuyên ngành Báo truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cô gái sinh năm 1998 là một trong hai đạo diễn của bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân”. Bộ phim đã thành công ngoài mong đợi và giành giải thưởng “Tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả trẻ tuổi” tại lễ trao giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng lần thứ III (Giải Búa liềm vàng 2018).

Bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân” phản ánh vấn nạn tham nhũng đang ngày càng hoành hành trong một bộ phận cán bộ Đảng viên. Bên cạnh đó, bộ phim ca ngợi vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc phát hiện, tố cáo, đấu tranh nạn tham nhũng.

Sau những thành công mà bộ phim gặt hái được, Thùy Trang đã chia sẻ cởi mở về những trải nghiệm, suy nghĩ của một sinh viên Truyền hình khi thử sức với vai trò mới là biên kịch và đạo diễn phim tài liệu.

Nữ sinh trường báo xinh xắn là tác giả trẻ tuổi xuất sắc tại Giải Búa liềm vàng 2018 - 1
Chu Thuỳ Trang (phải) và Nguyễn Thị Bích Ngọc (trái) – đồng đạo diễn của bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân”

 

PV: Xin chào Thùy Trang và gửi lời chúc mừng bạn cũng như ekip của bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân”. Sau những thành công mà bộ phim đạt được, với vai trò là biên kịch và đạo diễn, bạn cảm thấy như thế nào?

Chu Thùy Trang: Lễ trao giải Báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng lần thứ III (Búa liềm vàng) cũng đã kết thúc được vài ngày rồi nhưng thực sự tôi và bạn Bích Ngọc (đồng tác giả) vẫn cảm thấy lâng lâng như khi đang đứng trên sân khấu nhận giải.

Chúng tôi hiện vẫn đang là sinh viên nhưng muốn thử sức với vai trò mới là biên kịch và đạo diễn nên có thể nói giải thưởng này thực sự là một thành công lớn.

Bộ phim “Ngọn lửa lòng dân” là “đứa con đầu lòng” nên chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào và đây chính là một động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục vững bước trên con đường làm báo thú vị nhưng cũng đầy gian nan, thử thách phía trước.

Bạn có thể giới thiệu qua về bộ phim cũng như thông điệp được truyền tải để cho các độc giả hiểu rõ hơn được không?

Thời gian qua, nạn tham nhũng hoành hành, lũng đoạn một bộ phận cán bộ Đảng viên, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Với thái độ kiên quyết thì nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, tố cáo, đấu tranh nạn tham nhũng. Đảng trí tuệ, nhân dân một lòng đoàn kết, sẽ tìm ra biện pháp chỉ mặt, gọi tên những kẻ tham nhũng, thao túng quyền lực, chạy chức chạy quyền để xử phạt nghiêm minh.

Bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân” ca ngợi vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc phát hiện, tố cáo, đấu tranh nạn tham nhũng.

Qua bộ phim, chúng tôi muốn khẳng định: Công cuộc phòng, chống tham nhũng đúng theo kỷ luật Đảng, thuận lòng dân, không chỉ cần sự quyết tâm của những người đứng đầu Bộ Chính trị, mà còn cần sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân.

Việc chống tham nhũng phải xuất phát từ chính quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân thì mới đi đến thắng lợi.

Bộ phim đề cập đến một vấn đề có thể nói là khá nhạy cảm trong xã hội hiện nay. Vậy chắc hẳn trong quá trình thực hiện bộ phim, những khó khăn gặp phải là không ít?

Khó khăn thứ nhất phải kể đến đầu tiên là việc thuyết phục các cơ quan báo đài. Cũng rất may mắn là chúng tôi gặp được Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng – một đạo diễn phim tài liệu gạo cội.

Ông đã động viên, đứng ra kí hợp đồng làm phim với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ có người thầy Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng mà chúng tôi có thể hiện thực hóa đề tài này.

Cái khó thứ hai chính là việc lên kịch bản, tìm tài liệu bởi đây là một đề tài khó, liên quan đến chính trị, đòi hỏi mọi dữ liệu phải chân thực, chính xác 100%, sai một ly là đi một dặm. Rồi trong quá trình làm công tác tư tưởng cho nhân vật cũng gặp nhiều trở ngại...

Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. Tiếp cận với đề tài khó nhưng chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của rất nhiều người. Trong đó phải kể đến sự giúp đỡ của Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an; Viện trưởng Viện lịch sử CAND.

Ông đã nhận lời tham gia viết lời bình cho bộ phim với lòng yêu quý và sự nhiệt tình của một người đi trước luôn sẵn lòng giúp đỡ thế hệ trẻ. Nhờ đó mà bộ phim “Ngọn lửa lòng dân” đã được đánh giá rất cao về nội dung, là yếu tố quan trọng giúp bộ phim đi đến thành công ngày hôm nay.

Cơ duyên nào khiến bạn từ một nữ sinh chuyên ngành báo chí – truyền hình lại thử sức với vai trò là một đạo diễn trẻ với dòng phim tài liệu?

Khi nói đến cơ duyên đưa chúng tôi đến với dòng phim tài liệu, thì đó sự may mắn khi gặp được Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng. Nay ông đã bước sang tuổi 80 nhưng ngọn lửa nghề trong ông vẫn rực cháy.

Ông đã dạy bảo và truyền hết kinh nghiệm của mình trong suốt 60 năm làm nghề cho chúng tôi. Để rồi khi thấu hiểu thể loại phim tài liệu, chúng tôi càng cảm thấy yêu và muốn gắn bó với nó.

Hơn nữa, với chuyên ngành Báo truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà tôi đang theo học hiện nay chỉ đào tạo biên tập chứ không đào tạo đạo diễn.

Nhưng tôi và Bích Ngọc nhận thấy được tầm quan trọng của nghề đạo diễn nên chúng tôi đã quyết tâm theo đuổi nó.

Nữ sinh trường báo xinh xắn là tác giả trẻ tuổi xuất sắc tại Giải Búa liềm vàng 2018 - 2
Chu Thùy Trang cùng NSUT Phạm Việt Tùng - đạo diễn gạo cội về mảng phim tài liệu

Nói về thể loại phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước – một đạo diễn gạo cội ở dòng phim này từng chia sẻ rằng: “Theo đuổi phim tài liệu, hệt như việc thả một con ngưạ ra và đuổi theo nó”. Ngày nay, dòng phim tài liệu thường ít được các đạo diễn trẻ quan tâm đến. Vậy với kinh nghiệm của mình, Trang có thể chia sẻ thêm những điểm thú vị khiến bạn ấn tượng nhất về thể loại này để tiếp thêm động lực cũng như khơi nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ có cùng niềm đam mê này?

Đúng như NSND Nguyễn Thước nói “Theo đuổi phim tài liệu, hệt như việc thả một con ngưạ ra và đuổi theo nó”. Điều đó là đúng nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý. Bởi nếu coi phim tài liệu là một con ngựa hoang thì dù bạn có chạy nhanh như thế nào cũng khó mà đuổi kịp chúng.

Nhưng nếu coi phim tài liệu là một con ngựa nhà, chúng ta hiểu những thói quen, tính cách của nó thì chẳng cần phải tốn sức bạn vẫn có thể bắt được chúng.

Qua đó tôi muốn nói rằng, làm phim tài liệu cũng giống việc thuần hóa một con ngựa. Nếu bạn hiểu được bản chất của phim tài liệu, bạn sẽ biết cách làm chủ thể loại này.

Phim tài liệu là một thể loại khó. Người đạo diễn phải suy nghĩ ngày đêm, tìm cách truyền tải các ý sao cho logic với nhau, không bị rời rạc, gãy vụn. Cái hay của phim tài liệu là truyền tải được ẩn ý của người sáng tác một cách chân thực nhất.

Phim tài liệu hơn nhau ở cái ý tứ sâu cay. Ý tứ càng sâu xa, càng đọng lại trong lòng khán giả. Và đó chính là thành công của một người đạo diễn.

Trang suy nghĩ như thế nào về quan điểm của một số bạn sinh viên đó là chỉ cần tập trung học tốt những kiến thức trên trường lớp để có bảng thành tích thật cao là đủ để kiếm được một công việc tốt sau này?

Tôi cho rằng mỗi bạn có một quan điểm và phương pháp học khác nhau, miễn sao các bạn cảm thấy có hiệu quả là được. Còn với quan điểm của tôi, học vẫn phải đi đôi với hành. Thậm chí là phải thực hành càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là ngành báo chí.

Đặc thù của ngành báo chí là thực tế, là phản ánh những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Tôi có được tiếp xúc với những lãnh đạo nhà đài, họ đều nhận xét những sinh viên mới ra trường chỉ giỏi về lý thuyết chứ không giỏi thực tế. Mà cái hiện nay các báo đài cần là người làm được việc, chứ họ không lấy người về để đào tạo việc.

Vì thế tôi thấy rằng lý thuyết cũng quan trọng, nhưng thực hành còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Và 4 năm đại học là quãng thời gian để bạn tích lũy và rèn nghề. Khi còn là sinh viên, bạn được phép sai. Nhưng khi đã đi làm, sai là bị kỷ luật, là bị đuổi việc.

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi của bạn đang rất hoang mang bởi không biết đâu mới thực sự là con đường phù hợp với mình. Là một người trẻ, theo bạn họ sẽ “được phép” loay hoay như thế cho đến bao giờ?

Là một người trẻ, tôi không dám đưa ra bất cứ một nhận định nào cả. Tôi chỉ nghĩ rằng khi còn trẻ, bạn hãy cứ sống hết mình với đam mê. Bạn năng động, nhiệt tình, sẵn sàng chịu khó khổ, dám dấn thân và không ngừng đi tìm cơ hội thì cơ hội sẽ đến với bạn. Ông trời không phụ lòng ai cả.

Tất nhiên là “Đường đến thành công không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng”, bất cứ thành công nào cũng có sự đánh đổi, quan trọng là bạn có sẵn sàng đạp lên “gai hoa hồng” để tiến tới thành công hay không mà thôi.

Nữ sinh trường báo xinh xắn là tác giả trẻ tuổi xuất sắc tại Giải Búa liềm vàng 2018 - 3
Chân dung cô sinh viên năm 3 chuyên ngành Báo truyền hình luôn nỗ lực  tìm tòi, học hỏi để theo đuổi niềm đam mê với phim tài liệu

Trong tương lai, Trang có đang ấp ủ cho mình một dự định nào mới không, như tiếp tục thực hiện một bộ phim tài liệu nữa chẳng hạn?

Nhất định rồi. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi công việc làm phim tài liệu yêu thích của mình. Hiện nay tôi và cộng sự Bích Ngọc cũng đang trong một dự án phim mới “Ba đứa chúng mình” và đã đến giai đoạn quay. Bộ phim nói về tình cảm của 3 ông: nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, nhà báo Lý Văn Sáu và nhà ngoại giao Võ Văn Sung với xứ trầm hương (Khánh Hòa).

Bộ phim nêu cao tấm gương trong sáng về tinh thần yêu nước, về đạo đức cách mạng, về tình nghĩa đồng chí đồng đội đùm bọc yêu thương trong chiến đấu, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của ba người con quê hương Khánh Hòa và cả 3 đều tham gia kí kết hiệp định Paris 1973.

Chúng tôi chắc chắn sẽ dồn hết tâm huyết cho đứa con tinh thần của mình và mang đến cho công chúng một sản phẩm trọn vẹn nhất.

Cảm ơn Trang đã chia sẻ, chúc bạn sẽ thành công trên con đường mình chọn!

Hồng Nhung

Nội dung khác
TIN MỚI