Loading...
Đường dây nóng: 0212 743 837
Email:phonggiaoducms.sl@gmail.com

Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê “cò bay thẳng cánh” đều có những nghĩa trang liệt sỹ...

 Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê “cò bay thẳng cánh” đều có những nghĩa trang liệt sỹ. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế của những anh hùng, họ biết đặt cái khát khao giành độc lập, tự do lên trên sinh mạng của chính mình. Nhờ thế, đất nước Việt Nam được định hình trên bản đồ thế giới cũng từ tinh thần hy sinh cao cả ấy.

     Chính vì vậy việc tri ân đối với những người, những gia đình có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta, những con người đang được sống trong một đất nước hòa bình nhờ công sức, xương máu cha, anh đổ xuống, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

     Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, trường TH-THCS Chu Văn Thịnh gồm các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh đã có chuyến viếng thăm và thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Sơn. Sau chuyến đi, các bạn học sinh đã có rất nhiều cảm xúc và có những dòng chia sẻ:

     

“Theo thường lệ, vào ngày này hàng năm, trường tôi sẽ tổ chức một buổi đi thăm và thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ Mai Sơn - Sơn La.
   Và, may mắn thay, tôi được góp mặt trong ngày này, cùng với các bạn học sinh các lớp khác của nhà trường.

   Sáng dậy thật sớm, đánh răng rửa mặt tươm tất rồi mặc đồng phục chỉnh tề để xuất phát. Căn bản là tôi cũng rất háo hức với chuyến đi này. Vì khi xưa, chính ông nội tôi cũng từng phục vụ cho quân đội, không phải ra trận chinh chiến mà là lo cho lương thực, thực phẩm và quân y. Tuy chỉ là một công việc đơn giản, không khốc liệt như là tham chiến, nhưng mà cũng vì một căn bệnh do di chứng của một chấn thương gây ra khi ông đang làm việc ở tiền tuyến, đã lấy đi sinh mạng của ông. Do vậy, tôi có lẽ hiểu được nhường nào về cái nỗi đau đáu của những người thân, người đồng đội của các liệt sĩ. Không nhiều, nhưng cũng là một phần nhỏ. Tham gia vào chuyến đi lần này, tôi mang trong mình cái hi vọng, rằng mình sẽ có thể giúp đỡ phần nào với các anh – những người liệt sĩ.

   Nghe kể về cái lịch sử của khu nghĩa trang này, tôi chợt suy nghĩ một điều. Ở cái độ tuổi đôi mươi đẹp đẽ ấy, các anh đã phải từ bỏ tất cả mọi thứ, để bước ra chiến trường, để bảo vệ hàng triệu người dân Việt Nam khi đó, mặc dù, ngoài chiến trận có khốc liệt đến bao nhiêu, dù biết rằng có khi mình sẽ phải bỏ mạng ở đó.

   Rồi mới chợt nhận ra một điều.

   Các anh hi sinh nhiều như vậy, là vì tình yêu to lớn của các anh với mảnh đất Việt này.

   Là vì các anh muốn được bảo vệ cái hình ảnh đẹp đẽ của lũ trẻ con chăn trâu thả diều mỗi chiều, cái mùi thơm của lúa chín, cái màu trời xanh ngát, cái nụ cười của những thiếu nữ áo dài trắng, cái sắc đỏ thắm của môi mấy cụ già đầu xóm sau khi vừa nhai trầu, và đơn giản hơn, vì các anh yêu nó, yêu biết bao cái khung cảnh đẹp dễ ấy.

   Máu của các anh đổ xuống, tô đỏ sẫm quốc kì nước Nam ta, thấm sâu vào từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu của các anh, mang theo cái ý chí hào hùng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của cái tuổi thanh niên trai tráng hừng hực khói lửa kia!

   Các anh đã vất vả nhiều lắm rồi.

   Hôm nay, em xin đến thăm viếng các anh, thắp cho các anh những nén hương cháy đỏ, và em chỉ muốn nhắn gửi tới các anh một điều: Hãy yên nghỉ, các anh hùng – mãi mãi tuổi đôi mươi!

Một số hình ảnh về chuyến viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Mai Sơn:

 

 

Nội dung khác
TIN MỚI